Tin tức

Xe buýt Đà Nẵng – Nỗ lực lấy lại niềm tin của người dân

Thứ tư,09/08/2023
1491 Lượt xem

Danabus thêm một nhà thầu vận hành từ tháng 7/2023

Cuối tháng 7/2023 trên đường phố Đà Nẵng, xe buýt Danabus xuất hiện thêm một diện mạo phương tiện mới, loại xe có kích thước nhỏ mới mẻ, gây tò mò thích thú cho người dân.  

Sau đại dịch Covid19, với một thời gian dài thực hiện phong tỏa, giãn cách, giảm tần suất hoạt động của các phương tiện công cộng…, thói quen đi lại bằng xe buýt của người dân bị ảnh hưởng rất nhiều; mặt khác, năng lực kinh tế của Đơn vị vận hành là Công ty CPCN Quảng An 1 cũng bị ảnh hưởng với nhiều khó khăn về tài chính, dẫn đến hệ thống xe buýt trợ giá hoạt động không ổn định, gây mất lòng tin của hành khách đi xe buýt.

Được biết, Sở Giao thông vận tải đã có nhiều cuộc họp để nhận diện vấn đề, thảo luận phương án giải quyết, theo đó xác định phải ưu tiên lựa chọn nhà vận hành có năng lực trong đấu thầu 5 tuyến buýt giai đoạn tiếp theo, đảm bảo chất lượng hoạt động của hệ thống xe buýt trợ giá.

Ngày 17/7/2023 Sở GTVT Đà Nẵng đã làm lễ công bố vận hành 05 tuyến buýt trợ giá số hiệu 05, 07, 08, 11, 12 do Công ty cổ phần Xe khách Phương Trang – Futabuslines là đơn vị vận hành. 5 tuyến buýt trợ giá 05, 07, 08, 11, 12 với điểm đầu - cuối của lộ trình lần lượt là: Khu chung cư Hòa Hiệp Nam - công viên Biển Đông, trạm xe buýt Xuân Diệu - bến xe Phía Nam, Vũng Thùng - bến xe buýt Phạm Hùng, bến xe buýt Xuân Diệu - Bệnh viện Phụ sản Nhi, bến xe buýt Xuân Diệu - bến xe buýt Phạm Hùng.

Như vậy, hệ thống xe buýt trợ giá thành phố hiện có 2 nhà thầu tham gia vận hành là Công CPCN Quảng An 1 và Công ty cổ phần Xe khách Phương Trang – Futabuslines, tạo sự cạnh tranh về chất lượng để phục vụ người dân tốt hơn.  

Phương tiện xe buyt kích thước nhỏ do Futabuslines vận hành

Nỗ lực lấy lại niềm tin của người dân

Ghi nhận đầu tiên của người dân đối với 5 tuyến buýt do Phương Trang vận hành là sự đảm bảo chất lượng dịch vụ đúng như công bố: Thời gian hoạt động từ 5h30 đến 19h hằng ngày, tần suất chuyến lượt 10-15p/chuyến giờ cao điểm và 20-30p/chuyến trong khung giờ bình thường; phương tiện xe buýt có kích thước nhỏ gọn phù hợp tình hình giao thông nội đô, ghế ngồi rộng rãi, có trang bị máy lạnh, camera, GPS, wifi, sử dụng vé điện tử …

Được biết qua thời gian đầu vận hành, sản lượng hành khách đi trên 5 tuyến buýt chưa đạt được số lượng như thời kỳ đỉnh cao năm 2019, nhưng lượng khách đã tăng đều qua mỗi ngày, khách đăng ký vé tháng qua mã QRcode tháng 8/2023 đã tăng 30% so với tháng 7/2023. Dự đoán tháng 9 học sinh quay trở lại trường học, sản lượng hành khách đi xe buýt sẽ tăng nhiều hơn nữa. 

Ông Bùi Hồng Trung – Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố Đà Nẵng cho biết: Bên cạnh đẩy mạnh công tác truyền thông, ứng dụng công nghệ, bố trí các trạm xe đạp công cộng gần các trạm xe buýt để người dân thuận tiện di chuyển, Sở sẽ chú trọng nghiên cứu lộ trình các tuyến buýt trợ giá và tuyến buýt không trợ giá nhằm hoàn thiện mạng lưới vận tải công cộng thành phố ở mức tối ưu nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ở các địa bàn thành phố đều có thể tiếp cận đi xe buýt.

Có thể thấy rõ nỗ lực của ngành Giao thông vận tải trong việc lấy lại niềm tin của người dân khi sử dụng xe buýt làm phương tiện tham gia giao thông, quyết tâm thực hiện QĐ 8087/QĐ-UBND ngày 19/11/2013 của UBND thành phố Đà Nẵng về Quy hoạch phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt tại thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2013- 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu năm 2025 hệ thống vận tải công cộng bằng xe buýt đạt 19 tuyến, đảm nhận tỷ lệ 15% tổng nhu cầu đi lại của người dân trong thành phố./.
Bình luận facebook
Facebook