Các chỉ số PAR INDEX, PAPI, SIPAS và những điều cần biết
Cải cách hành chính là mục tiêu quan trọng của Đảng và Nhà nước nhằm tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi, minh bạch nhằm giảm thiểu chi phí về thời gian và kinh phí của doanh nghiệp trong việc tuân thủ thủ tục hành chính, xây dựng hệ thống các cơ quan hành chính nhà nước từ trung ương tới cơ sở thông suốt, trong sạch, vững mạnh, hiện đại, hiệu lực, hiệu quả, tăng tính dân chủ và pháp quyền trong hoạt động điều hành của Chính phủ và các cơ quan hành chính Nhà nước. Để đánh giá khách quan những nội dung trên, Chính phủ đã sử dụng các chỉ số đánh giá như PAPI, PAR INDERX, SIPAS để thực hiện các mục tiêu đã đề ra.
I. Chỉ số PAR INDEX
Tên gọi: Chỉ số cải cách hành chính.
Tên tiếng anh: Public Administration Reform Index.
Phương pháp đánh giá: Tự đánh giá của đối tượng được đánh giá và điều tra xã hội học.
PAR INDEX là chỉ số cải cách hành chính, là công cụ quan trọng để theo dõi, đánh giá hoạt động cải cách hành chính (CCHC) của các bộ, cơ quan ngang bộ và các tỉnh, thành phố.
Chỉ số PAR INDEX được ban hành đầu tiên tại Quyết định số 1294/QĐ-BNV ngày 3/12/2012 phê duyệt đề án “Xác định chỉ số cải cách hành chính của các bộ, cơ quan ngang bộ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương” và có sự thay đổi qua các năm 2016 (Quyết định số 4361/QĐ-BNV ngày 28/12/2016); năm 2017 (Quyết định số 2948/QĐ-BNV ngày 28/12/2017), năm 2018 (Quyết định số 2636/QĐ-BNV ngày 10/12/2018); năm 2019 (Quyết định số 1150/QĐ-BNV ngày 30/12/2019); năm 2020 (Quyết định số 1149/QĐ-BNV ngày 30/12/2020). Bộ tiêu chí xác định chỉ số CCHC cấp bộ được cấu trúc thành 7 lĩnh vực đánh giá, 40 tiêu chí và 99 tiêu chí thành phần cụ thể:
1. Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC: 6 tiêu chí và 2 tiêu chí thành phần.
2. Xây dựng và tổ chức thực hiện thể chế thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ: 7 tiêu chí và 14 tiêu chí thành phần.
3. Cải cách thủ tục hành chính: 6 tiêu chí và 19 tiêu chí thành phần.
4. Cải cách tổ chức bộ máy hành chính: 4 tiêu chí và 11 tiêu chí thành phần.
5. Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức: 8 tiêu chí và 15 tiêu chí thành phần.
6. Cải cách tài chính công: 4 tiêu chí và 14 tiêu chí thành phần.
7. Hiện đại hóa hành chính: 5 tiêu chí và 24 tiêu chí thành phần.
Thang điểm đánh giá 100, điểm đánh giá qua điều tra xã hội học 36.5/100
Đối với chỉ số CCHC cấp tỉnh được cấu trúc thành 8 lĩnh vực đánh giá, 43 tiêu chí, 102 tiêu chí thành phần cụ thể:
1. Công tác chỉ đạo, điều hành CCHC: 6 tiêu chí và 2 tiêu chí thành phần
2. Xây dựng và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật tại tỉnh: 4 tiêu chí và 8 tiêu chí thành phần.
3. Cải cách thủ tục hành chính: 5 tiêu chí và 19 tiêu chí thành phần.
4. Cải cách tổ chức bộ máy hành chính: 4 tiêu chí và 12 tiêu chí thành phần.
5. Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức: 9 tiêu chí và 17 tiêu chí thành phần.
6. Cải cách tài chính công: 4 tiêu chí và 15 tiêu chí thành phần.
7. Hiện đại hóa hành chính: 5 tiêu chí và 22 tiêu chí thành phần.
8. Tác động của CCHC đến người dân, tổ chức và các tiêu chí phát triển kinh tế xã hội của tỉnh: 6 tiêu chí, 7 tiêu chí thành phần.
Thang điểm đánh giá là 100, điểm đánh giá qua điều tra xã hội học là 33.5/100.
II.Chỉ số PAPI
Tên gọi: Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh.
Tên tiếng Anh: The Vietnam Provincial Governance and Public Administration Performance Index
Phương pháp đánh giá: Khảo sát trên diện rộng (phỏng vấn trực tiếp) về hiệu quả quản trị và quản lý hành chính công cấp tỉnh với đối tượng là người dân được lựa chọn ngẫu nhiên đại diện cho các nhóm nhân khẩu đa dạng. Phương pháp lấy mẫu theo chuẩn hiện đại quốc tế. Xác xuất quy mô dân số (PPS) các đơn vị hành chính đến cấp thôn và lấy mẫu ngẫu nhiên người trả lời.
PAPI là sản phẩm hợp tác giữa Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc từ năm 2011. PAPI thực hiện khảo sát ý kiến cá nhân về chất lượng dịch vụ hành chính công ở các địa phương.
Chỉ số PAPI đo lường hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh dựa trên trải nghiệm và đánh giá của người dân khi tương tác với các cấp chính quyền địa phương.
Chỉ số PAPI là công cụ theo dõi, giám sát năng lực điều hành, quản lý nhà nước, thực thi chính sách và cung ứng dịch vụ công của chính quyền địa phương, giúp các cấp chính quyền địa phương có những căn cứ điều chỉnh và cải thiện hiệu quả công tác, phục vụ người dân tốt hơn. Năm 2009 thí điểm tại 03 tỉnh/thành phố (Phú Thọ, Đà Nẵng và Đồng Tháp), Năm 2010 triển khai tại 30 tỉnh/thành phố trên toàn quốc. Từ năm 2011 triển khai trên 63 tỉnh/thành phố.
Từ năm 2018, Chỉ số PAPI bao gồm 08 chỉ số lĩnh vực nội dung, 28 chỉ số nội dung thành phần và hơn 120 chỉ tiêu cụ thể về hiệu quả quản trị và hành chính công của toàn bộ 63 tỉnh/thành phố.
III.Chỉ số SIPAS
Tên gọi: Chỉ số sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.
Tên tiếng Anh: Satisfaction Index of Public Administrative Services.
Phương pháp đánh giá: Chỉ số SIPAS được đo lường thông qua điều tra xã hội học đối với người dân, tổ chức đã giải quyết thủ tục hành chính (đã hoàn thành và nhận kết quả) ở các dịch vụ hành chính công được lựa chọn khảo sát.
Chỉ số SIPAS là thước đo mang tính khách quan, phản ánh trung thực kết quả đánh giá của người dân, tổ chức về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước thông qua việc cung cấp các dịch vụ hành chính công cụ thể.
Theo Quyết định số 2640/QĐ-BNV ngày 10/10/2017 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành phê duyệt Đề án Đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước giai đoạn 2017 – 2020. Theo đó, tiêu chí đo lường chỉ số này có 5 yếu tố cơ bản của quá trình cung ứng dịch vụ hành chính công, gồm 22 tiêu chí, áp dụng đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức, cụ thể như sau:
1. Tiếp cận dịch vụ hành chính công của cơ quan hành chính nhà nước.
+ Nơi ngồi chờ tại cơ quan giải quyết thủ tục hành chính/ Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả có đủ chỗ ngồi.
+ Trang thiết bị phục vụ người dân, tổ chức tại cơ quan giải quyết thủ tục hành chính/Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả đầy đủ.
+ Trang thiết bị phụ vụ người dân, tổ chức tại cơ quan giải quyết thủ tục hành chính/Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại.
+ Trang thiết bị phục vụ người dân, tổ chức tại cơ quan giải quyết thủ tục hành chính/Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả dễ sử dụng.
2. Thủ tục hành chính (TTHC)
+ TTHC được niêm yết công khai đầy đủ
+ TTHC được niêm yết công khai chính xác
+ Thành phần hồ sơ mà người dân, tổ chức phải nộp là đúng quy định.
+ Phí/lệ phí mà người dân, tổ chức phải nộp là đúng quy định.
+ Thời hạn giải quyết (tính từ ngày hồ sơ được tiếp nhận đến ngày nhận kết quả) là đúng quy định.
3. Sự phục vụ của công chức
+ Công chức có thái độ giao tiếp lịch sự.
+ Công chức chú ý lắng nghe ý kiến của người dân/đại diện tổ chức.
+ Công chức trả lời, giải đáp đầy đủ các ý kiến của người dân/đại diện tổ chức.
+ Công chức hướng dẫn kê khai hồ sơ tận tình, chu đáo.
+ Công chức hướng dẫn hồ sơ dễ hiểu.
+ Công chức tuân thủ đúng quy định trong giải quyết công việc.
4. Về kết quả cung ứng dịch vụ hành chính công
+ Kết quả đúng quy định.
+ Kết quả có thông tin đầy đủ.
+ Kết quả có thông tin chính xác nhất.
5. Về tiếp nhận, giải quyết góp ý, phản ánh, kiến nghị
+ Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính/Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả có bố trí hình thức tiếp nhận góp ý, phản ánh, kiến nghị.
+ Người dân, tổ chức thực hiện góp ý, phản ánh, kiến nghị dễ dàng
+ Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính/Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tiếp nhận, xử lý các góp ý, phản ánh, kiến nghị kịp thời.